Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – nét kiến trúc độc đáo của Nam Bộ

Dulichmien.net– Bên cạnh lối kiến khá trúc độc đáo, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn là nơi đã gắn liền với một cuộc tình của nữ nhà văn Pháp Marguerite Duras và thiếu gia người Hoa Huỳnh Thủy Lê 

1.Kiến trúc độc đáo nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Kiến trúc độc đáo nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Toàn bộ ngôi nhà được xây dựng trên diện tích 258 mét vuông có hình dáng theo kiểu nhà truyền thống người Việt, mái lợp ngói âm dương, hai bên đầu hồi cong vút hình thuyền theo kiểu đình chùa Bắc bộ nhằm tạo nét mềm mại cho mái. 

Khi vào bên trong, bạn sẽ bị bất ngờ với một lối kiến trúc mang đậm màu sắc Trung Hoa. Nhà có 3 gian, ngăn cách nhau bằng các bao lơn, thành vọng sơn son thếp vàng, chạm khắc họa tiết về các chủ đề trong mỹ thuật truyền thống văn hóa Trung Hoa.

Một nét độc đáo trong các mô – típ trang trí của tòa nhà là theo yếu tố phong thủy, hình tượng tứ linh được thể hiện “long, lân, bức (con dơi), phụng”, mà không phải là “long, lân, quy, phụng”.

Kiến trúc phương Tây thể hiện rõ ở phần mặt tiền nhà, trần nhà, khung cửa sổ…, tất cả được trang trí bằng các phù điêu kiểu thời Phục hưng. Vòm cửa cong theo kiến trúc La Mã. Phần kiến trúc phương Đông được thấy qua những đường nét chạm khắc rất sắc sảo và được sơn son thếp vàng như hình chim muông, cây trái và các loại hoa như: trúc, mai, cúc, đào… Mặt ngoài ngôi nhà cổ có kiến trúc phương Tây pha trộn kiểu Hoa.

Ngay ở cửa chính của ngôi nhà có một khung cửa với các thanh gỗ tròn song song nằm ngang có thể kéo qua lại. Buổi trưa nhà không đóng cửa chính mà kéo khung cửa này lại. Ánh sáng và gió vẫn có thể lùa vào nhà, hàng xóm thấy khung cửa được kéo cũng sẽ không gọi làm phiền.

2.Câu chuyện tình không biên giới

Ngoài giá trị kết hợp giữa hai lối kiến trúc Đông – Tây, ngôi nhà cổ còn nổi tiếng bởi liên quan với một cuộc tình không biên giới của nữ nhà văn Marguerite Duras và người tình đầu tiên của bà là ông Huỳnh Thủy Lê (chủ nhân ngôi nhà). 

Hai người tình cờ gặp gỡ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, khi nàng vừa mới chưa đầy 16 tuổi và chàng đã 32 tuổi. Họ đã có một mối tình thật đẹp với nhau. Tuy vậy, họ lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của ông Huỳnh Cẩm Thuận.

Khi cha biết chuyện, ông Lê đã quỳ lạy xin cha cho mình sống với người con gái mà ông cảm nhận một tình yêu mãnh liệt mà có thể chỉ đến một lần trong đời. Song vì sự khác biệt văn hóa Đông – Tây và không môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, người cha đã không thuận tình cho hai người đến với nhau. Mối tình chỉ kéo dài 18 tháng. Ngày Marguerite lên tàu về Pháp, từ mạn tàu nàng thấy thấp thoáng từ xa chiếc xe hơi sang trọng màu đen quen thuộc của người tình Trung Hoa lặng lẽ đến tiễn biệt. Không lâu sau đó, chàng vâng lời cha lấy cô vợ trẻ cũng người Trung Hoa môn đăng hộ đối mà từ đó mối tình giữa hai người đã được đưa vào kỷ niệm trong từng áng văn của bà Marguerite Duras, mà ngày nay chúng ta đều được biết đến với cuốn tiểu thuyết mang tên “Người tình”.

Sự hấp dẫn của “Người tình” ngày càng hấp dẫn hơn khi được chuyển thể thành phim vào năm 1992. Từ đó, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê – chuyện tình Huỳnh Thủy Lê càng làm thu hút khách du lịch, và năm 2009, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, cho đến nay, ngôi nhà vẫn còn được gìn giữ khá nguyên vẹn và trở thành điểm tham quan nổi tiếng của du lịch Đồng Tháp – miền Tây.