Dulichmien.net– Bánh Cống là đặc sản của người Khmer tuy chỉ là món quà vặt dân dã nhưng đây là món ăn không thể bỏ qua khi đến miền Tây. Trong nhân thịt băm có hành tím là nông sản trồng nhiều ở Sóc Trăng giúp chiếc bánh cống thơm nồng đậm đà chất quê.
Miền Tây với biết bao loại bánh thơm ngon, lưu giữ hương vị của đồng quê sông nước dân dã. Ngoài những cái tên quen thuộc như bánh xèo, bánh khọt, … thì bánh cống cũng là một đại diện tiêu biểu cho ẩm thực nơi đây.
Có nguồn gốc từ Sóc Trăng, bánh cống được “khai sinh” bởi đồng bào người Khmer từ nhiều năm trước. Nhưng ngày nay, chiếc bánh này đã “chu du” qua nhiều vùng đất và mang đậm nét mộc mạc của hương vị miền Tây.
Từ nhiều năm nay, món ăn dân dã này đã được yêu thích ở nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước chứ không chỉ riêng khu vực miền Tây. Nhiều cửa hàng bánh Cống đã được mở tại các thành phố miền Băc, miền Nam để phục vụ nhu cầu của người dân. Thực tế, ai cũng có thể tự làm bánh Cống bởi công thức làm món ăn này không quá khó, song điều tất yếu là để có một chiếc bánh Cống ngon, đúng hương vị không phải điều dễ thực hiện.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế qua nhiều công đoạn. Ba phần gạo, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay mịn. Sau khi “bồng” bột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá cắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo. Một số cửa hàng còn cho thêm vào bột quả trứng gà để thêm phần thơm ngon. Đậu xanh cũng phải chọn loại đâu xanh ngon, đãi vỏ cho sạch, nấu chín vừa không được để nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín rồi đem trộn chung với đậu xanh, sau đó mới cho vào chút muối, chút bột nêm. Tôm tươi rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu. Theo kinh nghiệm của người Sóc Trăng, để bánh ngon thì tôm không nên bỏ vỏ vì lột vỏ khi chiên lên sẽ mất giòn.
Người ta chiên bánh bằng cái cống, hình dáng giống một cốc cà phê nhỏ, cao tầm 10cm. Cho nguyên liệu vào cống theo thứ tự lần lượt: hỗn hợp bột, đậu xanh, thịt xào, thêm lớp bột nữa và cuối cùng là phủ một, hai con tôm lên mặt. Nhúng chiếc cống vào chảo dầu đang sôi, chừng 2-3 phút, bánh chín và tự tuột ra khỏi cống. Những chiếc bánh nở to, vàng ươm, dậy mùi thơm sẽ khiến cho bạn thèm chảy nước miếng.Đây là món ăn chơi dân dã, đậm đà hương vị miền Tây mà du khách khắp nơi đều muốn thưởng thức.
Bánh cống ăn đúng điệu phải kèm thêm rau sống, chén nước mắm chua ngọt thơm ngon chấm cùng. Món đồ chiên có vài lát rau sẽ tiếp thêm tươi mát và thơm ngon cho món ăn đỡ ngấy. Gói gém bánh trong lớp rau xanh, chấm thêm chút mặn chút chua ngọt từ nước mắm tỏi ớt. Hương vị dân dã và đồng quê lan toả khắp khuôn miệng. Chỉ là món bánh ăn chơi mộc mạc nhưng không kém phần bắt vị và đậm đà nét ẩm thực của người miền Tây.
Bánh cống Sóc Trăng có mùi thơm nức mũi, cái giòn giòn hòa với vị beo béo, bùi bùi của đậu xanh, tôm, thịt khiến cho người ăn có cảm giác ngon ngay trên đầu lưỡi. Ở Sóc Trăng, bánh cống là món ăn quen thuộc nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến bánh cống ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.