Cơm Lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong đầu rừng và hương thơm của rừng tre nứa xanh ngút đầu non…
Từ lâu, nó đã trờ thành một món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Tây Bắc, món ăn giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Cơm lam được nấu một cách đặc biệt, đó là nấu cơm trong ống tre hoặc ống nứa, cơm rất thơm, dẻo, hương vị ngon
Để làm được cơm Lam ngon đòi hỏi một sự tỷ mỉ đến từng chi tiết. Đầu tiên phải chọn cây nứa ngô còn non, chặt lấy gióng lưng chừng nứa rồi phạt đi đầu mặt, dung lá nút lại, chất củi xung quanh đốt cho sôi. Gạo nếp làm cơm Lam phải chọn loại nếp trắng, dẻo, thơm, tốt nhất là “khảu tan” (nếp tan), rồi ngâm gạo, vo sạch, rắc ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam, cùng với dòng nước suối trong vắt chảy trong rừng sẽ tạo nên một cơm Lam hương vị đặc biệt của núi rừng, có thể làm say lòng bất cứ người thưởng thức nào.
Khi cơm chín, chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp nứa mỏng. Xắt mỗi ống ra thành năm hay bảy khúc. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài.
Cơm lam của người Tây Bắc là một món ăn rất giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng, sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của tre, nứa tiết ra, tạo nên dư vị hấp dẫn của cơm lam.
Trước đây, trong đời sống sinh hoạt, người Thái thường lên nương rẫy làm việc cả ngày mới về nên họ thường mang theo cơm lam đựng trong các ống tre nứa. Theo họ, cơm lam giữ được thời gian lâu không bị hỏng và độ thơm dẻo không bị mất đi. Ngày nay, trong các ngày hội văn hóa của người Thái, đặc sản này được chọn là món ăn ẩm thực để giới thiệu với các du khách.
Cơm Lam có vị bùi bùi của gạo nếp nương, có vị ngọt của gạo nếp nương hòa quện cùng với vị ngọt được tiết ra từ ống nứa và có mùi thơm rất đặc trưng của núi rừng. Nay cơm lam đã trở thành một thứ hàng hóa và còn trở thành món “đặc sản” trong các nhà hàng, khách sạn được nhiều người biết đến và rất yêu thích.