An Giang là một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên đẹp mà còn bởi nhiều món ăn ngon, đậm chất miền Tây Nam Bộ. Cùng dulichmien.net khám phá các đặc sản An Giang ngay nhé!
Đặc sản An Giang- Gỏi sầu đâu
Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.
Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.
Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.
Mắm ruột
Đặc sản An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.
Mắm sống đặc sản An Giang ăn kèm với rau thơm, ớt sừng trâu. Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. Người ta thích ăn nóng hôi hổi, thoang thoảng hơi cay của sả ớt thì chọn mắm kho ăn kèm mớ rau đồng xanh mơn mởn.
Xôi phồng Chợ Mới
Ở vùng Chợ Mới, An Giang có một món ăn rất đặc biệt: xôi phồng gà quay. Không giống như xôi thông thường, xôi phồng được làm theo một công thức đặc biệt.
Theo đó gạo nếp sẽ được nấu cùng với đậu, sau đó được trộn lại và xay nhuyễn với nhau sao cho thành hỗn hợp dẻo và mịn. Sau khi trộn đều gia vị vào, từng khoanh xôi được đen chiên trên chảo dầu. Xôi sẽ phồng lên tạo thành một hình cầu lạ mắt. Tuy nhiên, loại chảo duy nhất được sử dụng để chiên món xôi phồng là chảo gang.
Đường thốt nốt
Thốt nốt là một loài cây đặc trưng ở vùng Bảy Núi, không chỉ cho nước uống mát lành mà còn là nguyên liệu làm món đường thốt nốt đặc sản An Giang. Đường thốt nốt chính hiệu được làm từ mật hoa và trái thốt nốt, trải qua nhiều công đoạn để cho ra những khoanh đường màu vàng da bò, ngọt thanh, thơm dịu và khi ăn có vị béo.
Ngoài cách thưởng thức trực tiếp để cảm nhận vị ngon ngọt, đường thốt nốt còn được dùng để nấu chè đậu xanh, pha nước mắm để làm tăng hương vị.
Bánh bò rễ tre
Bánh bò là một loại bánh quen thuộc nhưng bánh bò rễ tre thì chỉ ở An Giang mới có. Sở dĩ có tên gọi là bánh bò rễ tre vì khi cắt ngang miếng bánh sẽ hiện ra những ống khí trông y hệt như rễ tre – một đặc điểm mà các loại bánh bò thông thường không có. Theo kinh nghiệm của những người làm bánh, bánh càng có nhiều “ống tre” thì sẽ càng ngon.
Bánh bò rễ tre có nhiều ở vùng Tân Châu, An Giang. Bánh có vị béo của nước cốt dừa, ngọt thanh của đường thốt nốt và vị nồng của bột lên men. Bánh bò rễ tre thường có màu vàng mật ong trông rất đẹp mắt. Bánh sản xuất không hương liệu, phẩm màu, có thể để qua ngày.
Bún cá
Món bún cá Châu Đốc và bún cá Long Xuyên là món ăn đặc sản An Giang. Món ăn này được bán ở nhiều nơi nhưng ngon nhất là ở Châu Đốc, Long Xuyên và Tân Châu. Người dân ở đây quen gọi bún cá là bún nước lèo.
Mỗi nơi đều có vị bún cá đặc trưng, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn. Món bún cá ngon nhất là khi được nấu bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo, tuy nhiên cá lóc làm cho mún bún có hương vị đặc trưng.
Mắm Châu Đốc- đặc sản An Giang
Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặt trưng của Nam Bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi kg.
Nhiều thương hiệu mắm nổi tiếng ở Châu Đốc làm theo công thức gia truyền riêng nên vị cũng khác nhau. Bạn hãy nhờ người bán tư vấn để chọn loại mắm ngon nhất về làm quà. Du khách có thể mua ở chợ Châu Đốc hoặc khu vực ngay chân núi Sam.
Cơm tấm Long Xuyên
Nếu kể về các thành phần, cơm tấm ở đây khá đơn giản khi không có nhiều nguyên liệu ăn kèm, một đĩa cơm tấm đầy đủ chỉ có sườn, trứng, bì và đồ chua. Chỉ đơn giản là thế nhưng chính nhờ quá trình tẩm ướp nguyên liệu cũng như cách trình bày, món ăn đã tạo nên một sức hút riêng.
Bánh tằm bì Tân Châu
Bánh tằm bì là một món ăn ngon đặc sắc của Tân Châu. Điểm nhấn chính là bì thịt và viên xíu mại thơm béo trong đĩa bánh tằm.
Bánh tằm là những sợi bánh làm từ bột độ giòn và béo hơn so với bánh canh. Bánh tằm thường được ăn kèm với thịt xíu mại, thịt nướng và bì. Khi ăn thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt. Món ăn này là sự tổng hòa của vị mặn, vị béo, vịt ngọt và vị cay của ớt.
Bò bảy món Núi Sam
Món bò bảy món là một nhóm những món ăn được làm từ bò. Bò ở vùng Bảy Núi nổi tiếng là thịt săn chắc và béo ngọt, dó đó những món ăn từ bò cũng rất được chú ý.
Món bò bảy món bao gồm các món ăn nhỏ như: bò đun bánh hỏi, cháo đầu bò, lòng bò luộc, bò xào lá giang, bò khìa với bánh mì, bò lúc lắc và thịt bò bít tết. Hầu như các quán ăn không thịt bò sẵn ở chợ mà thường tìm mua tại các hộ chăn nuôi, họ mua bò nguyên con để giết mổ tại chỗ nhằm đảm bảo nguồn thịt được tươi ngon nhất.
Người dân An Giang nói rằng thịt bò ngon nhất là thịt bò tơ, tức là bò khi vừa mới lớn chưa thật sự trưởng thành và chưa qua lần sinh nở nào, thịt của bò tơ sẽ bùi và thơm ngon nhất. Một vài món ăn phải được chế biến bằng con bê (bò con) thì mới đạt được độ ngon, chẳng hạn như món bê thui. Do đó khi bạn đến các quán ăn bán bò bảy món thì sẽ thấy ngay một lò quay lớn đặt ở phía trước quán có sẵn một phần thân bò được thui trên đó.
Bánh phồng Phú Mỹ
Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm…
Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.
"Chú ý: Thông tin được cung cấp dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Hy vọng rằng thông qua việc tham khảo, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức lý thú."