Nét độc đáo của lễ hội Ariêuping của đồng bào Pa Cô

Dulichmien.net– Lễ hội Ariêuping của đồng bào Pa Cô tỉnh Quảng Trị là lễ hội tín ngưỡng độc đáo, nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ đến những người đã khuất.

Lễ hội Ariêuping mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc của đồng bào Pa kô, thể hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với những người đã khuất. Hình thức tổ chức lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.

Nét độc đáo của lễ hội Ariêuping của đồng bào Pa Cô

Theo phong tục truyền thống, lễ hội Ariêuping (lễ cải táng) của đồng bào Pa kô được tổ chức với mục đích đem lại sự bình yên, siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, không ốm đau, bệnh tật.. Vào dịp lễ hội Ariêu ping, người Pa kô huy động cả cộng đồng thực hiện việc cải táng người chết, xây sửa, trang trí lại lăng mộ tổ tiên và coi đây là công việc chung của cả cộng đồng.

Cùng với việc dựng cây nêu, người dân tiến hành dựng nhà mồ theo lối kiến trúc dân gian, gồm bốn cột chịu lực, mái trước cao, mái sau thấp, liên kết chân và đầu cột bằng các tấm ván có trang trí họa tiết hình mặt người. Ðặt nhà mồ cũng theo thứ tự, nhà mồ của chủ làng được đặt ở vị trí đầu tiên, kế theo là các dòng họ của làng. Ðịa điểm đặt nhà mồ ở gần các con suối có nước chảy quanh năm. Theo quan niệm của người Pa Cô, việc đặt nhà mồ ở đó để những người đã khuất luôn có được cảnh vật đẹp, mát mẻ và thuận lợi ở cõi âm. Lễ vật cúng thần linh rất nhiều nhưng trong đó có một số lễ vật không thể thiếu là một con trâu và một số thực phẩm cùng với trầm, trà, hương, rượu…

Đây là phong tục duy nhất chỉ có ở những nơi đồng bào Pa cô sinh sống. Vào ngày lễ hội, cả làng cùng thực hiện lễ cải táng, xây lại lăng mộ cho các bậc tổ tiên, người đã khuất, chứ không làm riêng theo dòng họ hay gia đình.”

Lễ hội Ariêu Ping được tổ chức từ 10 năm đến 15 năm một lần. Trong suốt kì lễ hội kéo dài 3 ngày 2 đêm ấy, ngày đầu tiên, người dân sẽ tụ họp để cùng nhau làm một ngôi nhà ngay giữa trung tâm – nơi tổ chức lễ hội để khách quý đến tham dự ở lại, một ngôi nhà có tên gọi là Ân Trạp – nơi để tro cốt của người đã khuất. Ngày thứ hai sẽ diễn ra lễ hội đâm trâu, liên hoan văn hóa cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống. Đến ngày cuối là ngày thể hiện nét tâm linh của đồng bào, bởi hôm đó mọi người sẽ đưa tiễn hương hồn tổ tiên về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tiếng trống, tiếng cồng chiêng phải được vang lên không ngừng nghỉ, số thanh niên trong làng thay phiên nhau đánh trống, hò reo suốt cả ngày đêm.

Các phong tục trong suốt Lễ hội Ariêu Ping được diễn ra rất quy củ. Lễ chính được bắt đầu vào ngày thứ hai khi các Ra Gioóc (khách ở các bản xung quanh) trong bộ quần áo truyền thống cùng các loại nhạc cụ như tù và, cồng chiêng, trống… nhảy múa từ đầu bản hướng về phía trung tâm theo nhạc điệu Palư và đồng thanh hát hò vui nhộn. Trong số đó, sẽ có những người mang trang phục rất đặc biệt tượng trưng cho những gì tinh túy nhất của Đất và Trời với những thông điệp và ý nghĩa riêng.

Đoàn người sẽ tập trung thành vòng tròn xung quanh bãi đất Pa Roong để thực hiện nghi lễ đâm trâu. Những cây nêu sẽ được những họ tộc có người đã khuất dựng lên để buộc trâu, bò, dê, lợn xung quanh thực hiện nghi lễ tế thần. Lúc này đoàn người Ra Gioóc dẫn đầu sẽ tiếp tục nhảy múa theo vòng tròn, người đi đầu sẽ thổi tù và, hát hò, những người còn lại sẽ đồng thanh hô theo.

Lễ hội được tổ chức trở lại cũng chính là lời tri ân của thế hệ hôm nay đối với cha ông, với những người đã khuất, thể hiện nét văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Pakô được truyền lại từ xưa đến nay…

Lễ hội Ariêuping được tổ chức còn là dịp để củng cố mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng người Pakô, góp phần nâng cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của già làng, trưởng bản về công tác quản lý, điều hành chủ trì, tổ chức, sắp đặt các công việc trong làng như cúng tế, lễ nghi, luật tục, hôn nhân gia đình, ranh giới đất đai, bảo vệ mùa màng…