Độc đáo Tục đâm đuống của người Mường Phú Thọ

Dulichmien.net– Tục Đâm đuống là hình thức giã gạo, nhưng là giã gạo trong hội lễ, có tính nghệ thuật và có tính tổ chức. Đồng bào Mường giã gạo bằng cối gỗ hình chiếc thuyền độc mộc dài từ hai tới ba sải tay, chiếc chày giã dài như đòn gánh, giữa thân thon để vừa tay cầm. Đâm đuống hội lễ là giã gạo chày tay vào cối đuống và chỉ do phụ nữ biểu diễn. Cả bản cũng giã gạo nhưng nhà nào giã ở nhà ấy.

Nguồn gốc tục đâm đuống

Nguồn gốc tục đâm đuống

Người Mường thởi xưa sinh sống bằng nghề trồng lúa . Đuống chính là hình ảnh thực hiện về một chiếc cối giã gạo của người Mường mang đầy tính lịch sử về một dân tộc  cội nguồn. Cối Đuống là một thân gỗ đục rỗng lòng, dài từ một đến hai sải tay, tùy theo số lượng người phụ nữ trong gia đình. Tay cầm chiếc chày đâm từ trên xuống. Xuất phát từ tín ngưỡng  phồn thực, hài hòa âm dương khi kết hợp các dụng cụ được sử dụng: sự kết hợp giữa chày và đuống tạo ra nhịp điệu hòa hợp, nhịp nhàng. Chày và cối tượng trưng cho vật giống nam và nữ. Chày giã vào cối là mô phỏng hành vi tính giao.  Quan niệm về sự sinh sôi, nảy nở , hưng thịnh của mọi vật được thể hiện qua hai công cụ là Đuống và Chày, hai vật biểu trưng cho âm và dương, sự hài hòa của trời đất.

Nguồn gốc tục đâm đuống

Mở đầu cuộc diễn là một bà nhiều tuổi nhất trong gia đình đứng ở đầu cối, giã ba tiếng để mở màn nghe như “kênh, kênh, kình”. Chày người già giã khai mạc gọi là chày “cái”. Tiếp đó là con gái, cháu gái trong nhà giã gọi là các “chày con”, “chày cháu”.

Trong nhà có bao nhiêu phụ nữ là phải chuẩn bị bấy nhiêu cái chày và đủ số cụm lúa để giã. Ngoài đình, vào buổi sớm đầu năm, khi có tiếng trống cất lên, thế là nhà nào nhà nấy đều đâm đuống. Tiếng đuống reo vui, khắp xóm làng rộn ràng.

Người đâm đuống tay phải cầm chày, tay trái cầm cụm lúa vừa đâm vừa trở lúa mà vẫn giữ đúng nhịp điệu, hòa âm nhịp nhàng cùng hàng trăm chày khác với âm thanh “kênh, kênh, kình”. Từ âm thanh đó, đồng bào lại truyền nhau đó là tiếng hát “vui xuân mới” hoặc “cơm cơm trắng, cơm cơm trắng”.

Theo nhịp tay đâm đuống mau hay chậm mà tiếng chày chuyển điệu sang những âm thanh khác nhau, có nhịp hai xen nhịp ba… Khi đổi nhịp là tất cả từng ấy chày trong bản đều cùng đổi, chẳng hạn : “Kênh kình, kênh kình” hay “kênh kênh kình, kênh kình”, “kình kình, kình kình” .Tục Đâm đuống thực sự là một cuộc hòa nhạc bằng cối giã có động tác mang ý nghĩa thực dụng ngày thường mà đã được nghệ thuật hóa nhằm làm đẹp, mua vui cho làng bản. Đâm đuống còn gọi là “chàm đuống”. Chàm là đâm từ trên xuống.

Đồng bào Mường, Phú Thọ chỉ tổ chức chàm thau vào tháng giêng và tháng bảy âm lịch trong lễ hội cầu mùa tháng giêng, chàm thau thường tổ chức vào ngày mùng 7, tháng bẩy lại vào ngày rằm.

Sau phần lễ, âm thanh của các nhạc cụ truyền thống vang lên và nghi thức đâm đuống bắt đầu. Những cô gái trong trang phục truyền thống của mình cầm 6 cây chày gỗ thực hiện động tác đâm đuống. Chiếc đuống hình chiếc thuyền độc mộc đã được đặt sẵn giữa sân lễ từ trước như được đánh thức bằng âm thanh gõ nhịp nhàng từ những chiếc chày gỗ dài. Theo nhịp tay đâm đuống mau hay chậm, âm thanh cũng chuyển điệu sang những tiết tấu khác nhau, có nhịp 2 xen nhịp 3… Lúc tiếng chày vang lên theo nhịp điệu nhất định, âm thanh của các nhạc cụ truyền thống khác cũng vang lên phụ họa, tạo thành bản nhạc vui tươi, khỏe khoắn, rộn ràng. Lễ hội này còn mở màn, mở đầu cho một năm mới, cầu cho năm mới an lành, ăn nên làm ra, ấm êm, hạnh phúc.

Tục đâm đuống của đồng bào Mường Phú Thọ là một tập tục đẹp, thể hiện sự trân trọng đối với thành quả lao động của con người trong sản xuất nông nghiệp và sự đoàn kết giữa mọi người trong bản. Ngày nay, đâm đuống được đồng bào Mường ở Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập biểu diễn trong các lễ hội mùa xuân, Lễ hội Đền Hùng và những ngày hội của bản Mường.

"Chú ý: Thông tin được cung cấp dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Hy vọng rằng thông qua việc tham khảo, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức lý thú."