Tìm hiểu về lịch sử Quảng Trường Ba Đình

Dulichmien.net– Bao thế hệ người dân Việt Nam chắc sẽ không bao giờ quên được những giây phút xúc động tại quảng trường Ba Đình năm 1945, nơi đây Bác Hồ đã dõng dạc đọc tuyên ngôn độc lập của đất nước Việt Nam sau bao thập kỉ bị đô hộ, Quảng trường Ba Đình là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử Việt Nam.

1.Quảng trường Ba Đình lịch sử

Quảng trường Ba Đình xưa là cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long. Năm 1894, sau khi chiếm đóng Hà Nội, thực dân Pháp đã cho xây một vườn hoa nhỏ tại đây và đặt tên là Quảng trường Tròn hay Quảng trường Pugininer (tên một linh mục người Pháp).

Đầu năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, bác sĩ Trần Văn Lai được mời ra giữ chức Đốc lý Hà Nội trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Tuy chỉ giữ chức trong một thời gian rất ngắn (20/7/1945 – 19/8/1945) nhưng bác sĩ Trần Văn Lai đã tiến hành đổi và đặt tên một loạt đường phố, địa danh của Hà Nội trước đây do chính quyền thực dân Pháp đặt, trong đó có Quảng trường Ba Đình.

Quảng trường Ba Đình lịch sử

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945), Ban Tổ chức ngày lễ Độc lập do đồng chí Nguyễn Hữu Đang làm Trưởng ban đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày 1/9/1945, họa sĩ Lê Văn Đệ và kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh được giao trọng trách thiết kế và tham gia dựng Lễ đài ở Quảng trường Ba Đình. Sau những phút tính toàn nhanh chóng, cẩn thận, kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh đã chọn phương án dựng lễ đài bằng gỗ theo cách đóng đinh và bọc lụa xung quanh đặt giữa vườn hoa của Quảng trường. Công trình được thiết kế có màu vàng nhạt, vòng hai tay ôm lấy phía sau lễ đài màu đỏ. Với sự nỗ lực và tâm huyết, ông cùng các cộng sự đã hoàn thành công trình này chỉ trong một ngày đêm.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Quảng trường Ba đình cũng là nơi chứng kiến Lễ Truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam. Sau đó không lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định chọn Quảng trường Ba Đình làm nơi yên nghỉ vĩnh viễn của Người và quyết định xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, một công trình kiến trúc lịch sử nữa cũng được ra đời bên cạnh Quảng trường Ba Đình, đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh và gần đây nhất là tòa Nhà Quốc hội mới (năm 2015) góp phần làm cho quần thể khu Lăng thêm hoàn chỉnh và đẹp đẽ.

Quảng trường Ba Đình, trước đó đã có sẵn giá trị là một địa điểm vinh quang, sau hơn nửa thế kỷ đã có thêm Hội trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng mang tên Người, rồi Đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh cùng nhiều di tích lịch sử và cách mạng khác đã và đang trở thành một cái tên quen thuộc và thiêng liêng, một niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô, mà còn là niềm tự hào và vinh quang chung cho nhân dân cả nước.

2.Quần thể Quảng Trường Ba Đình 

Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam. Nay, mặt chính của quảng trường – mặt Tây có Lăng Hồ Chủ tịch. Trước lăng là Quảng trường với 320m chiều dài và 100m chiều rộng, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mít tinh. Quảng trường có 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi, ở giữa quảng trường là cột cờ cao 30m. Đây chính là điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Bắc nói chung và người dân Hà Nội nói riêng.

Đến với Quảng trường Ba Đình cũng không thể bỏ qua những công trình kiến trúc độc đáo trong quần thể di tích Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh như:

  • Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh
  • Bảo tàng Hồ Chí Minh
  • Chùa Một Cột
  • Bảo tàng Hồ Chí Minh
  • Hội trường Ba Đình
  • Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
  • Ao cá Bác Hồ

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Quảng trường Ba Đình đã trở thành “địa chỉ đỏ” của mỗi người dân Việt Nam và du khách quốc tế khi về với Thủ đô Hà Nội