Dulichmien.net: Hội Lim là lễ hội văn hoá nghệ thuật có từ lâu đời đặc sắc của người dân Bắc Ninh làng quê quan họ. Mỗi năm cứ đến mùa du lịch lễ hội là Hội Lim, Bắc Ninh lại thu hút nhiều người, mọi thành phần lứa tuổi từ khắp nơi trên mọi miền tổ quốc về trẩy hội chơi xuân, trong đó phần đông là các bạn trẻ nam thanh nữ tú
Nguồn gốc của Hội Lim
Lịch sử Hội Lim được truyền miệng lại với rất nhiều phiên bản khác nhau. Có quan niệm cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương.
Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời, và phát triển tới quy mô hội hàng tổng (tổng Nội Duệ). Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ (bao gồm 6 xã phường: Nội Duệ (Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du (sau là Duệ Đông) với nhiều nghi lễ rước, tế lễ và các hoạt động nghệ thuật dân gian hết sức phong phú. Như: hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng và hát quan họ…, viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông đã quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”. Như vậy, quận công Đỗ Nguyên Thụy là người có công phát triển từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ vào dịp mùa thu, tháng Tám, với những quy định chung, đồng thời ông cũng chính là người xây dựng bước đầu những lệ tục của lễ hội vào mùa xuân, tháng Giêng.
40 năm sau, vào nửa sau thế kỷ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn lại tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim. Ông đã cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ mùa thu tháng Tám sang hẳn mùa xuân tháng Giêng. Ông cũng bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Vân (tức núi Lim) để xây lăng mộ của mình trên đỉnh núi.
Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, hội Lim không được mở trong nhiều thập kỷ cho đến tận những năm sau đổi mới. Ngày nay, hội được mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Hội Lim
Trong thời gian diễn ra hội, có rất nhiều hoạt động lễ và hội phong phú, phản ánh những nét văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng của vùng quê Bắc Ninh. Nhiều hoạt động diễn ra trong thời gian tổ chức hội Lim điển hình là những trò chơi dân gian đặc sắc như đấu cờ, đấu vật, đấu võ, thi dệt cửi, đu tiên, nấu cơm. Đặc biệt là phần hát hội nằm trong chương trình của hội Lim.
Diễn ra khoảng gần trưa, hội thi hát được tiến hành theo hình thức du thuyền hát quan họ trên một hồ nước nhỏ sát cánh đồng làng Lim. Trên chiếc thuyền có đầu rồng được sơn son thiếp vàng, các liền chị ngồi một bên thuyền, đối diện với những em nhỏ xinh đẹp trong tà áo tứ thân còn các liền anh thì đứng hoặc ngồi ở hai phía đầu hoặc cuối thuyền. Các liền anh, liền chị trao nhau những câu hát giao duyên vô cùng đằm thắm và trữ tình, phản ánh nét đẹp của quan họ truyền thống Bắc Ninh. Tối ngày 12 sẽ diễn ra đêm hội thi hát quan họ giữa các làng quan họ. Đây được xem là phần hội hay nhất của cả hội Lim. Mỗi làng quan họ dựng lên trại của mình và hội thi diễn ra trong sự náo nhiệt và háo hức của người xem.
Đối với những người sinh ra và lớn lên tại đất Kinh Bắc, hội Lim là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Những vật dụng nón quai tầm, quai thao, áo mớ ba mớ bảy, những ô lục soạn, dải yếm lụa sồi, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm,… đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con vùng quê quan họ Bắc Ninh. Về với hội Lim là về với không gian của âm thanh, thơ ca, nhạc họa, nơi con người và nghệ thuật hòa quyện vào nhau tạo nên một nét văn hóa truyền thống rất riêng, chỉ có ở vùng Kinh Bắc. Có thể nói Hội Lim là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc và đã trở thành giá trị tinh thần của nền văn hóa Việt Nam.