Về Tây Bắc ngắm “tứ đại đỉnh đèo” của mảnh đất huyền thoại

Dulichmien.net– Được mệnh danh là tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc, đèo Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin và Khau Phạ đã trở thành huyền thoại đối với những ai từng đặt chân đến với mảnh đất Tây Bắc.

Đèo Khau Phạ – tứ đại đỉnh đèo

Đèo Khau Phạ- tứ đại đỉnh đèo

Đèo khau phạ là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30km, đồng thời cũng là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có… ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.

Đèo Khau Phạ nhìn xuống ruộng bậc thang Tú Lệ. Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín, tầm tháng 9, tháng 10, khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng. Đây là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để thưởng ngoạn cảnh đẹp.

Đèo Ô Quy Hồ, Sapa – tứ đại đỉnh đèo

Là con đèo duy nhất giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc với gần 50km đường đèo, Ô Quy Hồ là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ nhất ở nước ta.

Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu da diết, nhói lòng của một loài chim gắn liền với câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Ngoài tên gọi Ô Quy Hồ, con đèo này còn được biết đến với tên gọi đèo Hoàng Liên (do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn) hay đèo Mây.

Với những cung đường uốn lượn quanh co, đèo Ô Quy Hồ còn được mệnh danh là vua đèo của núi rừng Tây Bắc, cũng như là địa điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ.

Đèo Pha Đin – Điện Biên ” tứ đại đỉnh đèo”

Đèo Pha Đin

“Dốc Pha Đin anh gánh chị thồ – Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”, đèo Pha Đin đã trở thành huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Đèo nằm trên quốc lộ 6, đường từ Hà Nội lên Điện Biên, ở ranh giới giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, cách thành phố Sơn La 66km.

Đèo dài 44km với điểm cao nhất nằm ở độ cao 1.648m so với mực nước biển, địa thế rất hiểm trở với 1 bên là vách núi, 1 bên là vực sâu. Với độ dốc trung bình từ 8 – 10%, con đường ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, mùa mưa đi lại rất khó khăn.

Trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi…

Đèo Mã Pì Lèng – “tứ đại đỉnh đèo”

Đèo Mã Pí Lèng (còn có âm đọc là Mã Pì Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng) thuộc tỉnh Hà Giang là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20 km vượt đỉnh Mã Pí Lèng, một đỉnh núi có độ cao khoảng 1.200m thuộc Cao nguyên Đồng Văn, nằm trên con đường mang tên đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.

Con đường dài khoảng 20 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pí Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.

Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9 khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, cũng là nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, hiện có một trạm dừng chân cho du khách ngoạn cảnh và tại đây đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn trong quá trình xây dựng đường đèo.