Ngôi đền hùng vĩ với bức tượng thiêng liêng của Huyền Thiên Trấn Vũ – một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của các nghệ nhân Việt Nam, là di tích văn hóa trong hơn 300 năm. Đền Quán Thánh là một trong những điểm du lịch tâm linh ấn tượng nhất tại Hà Nội.
1.Lịch sử đền quán thánh
Đền được xây dựng vào đầu thời nhà Lý. Từng trải qua nhiều đợt trùng tu vào các năm 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1893, 1941 (các lần trùng tu này được ghi lại trên văn bia). Đợt trùng tu năm Đinh Tỵ niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 tức đời vua Lê Hy Tông. Trịnh Tạc ủy cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất của kho để di tạo Trấn Vũ Quán và pho tượng Thánh Trấn Vũ. Nghệ nhân trực tiếp chỉ huy đúc tượng Thánh Huyền thiên Trấn Vũ là Vũ Công Chấn. Ông cho đúc tượng Huyền thiên Trấn Vũ bằng đồng hun, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó. Năm Cảnh Thịnh 2 (1794) đời vua Quang Toản, viên Đô đốc Tây Sơn là Lê Văn Ngữ cho đúc chiếc khánh đồng lớn.
Vua Minh Mạng nhà Nguyễn khi ra tuần thú Bắc Thành cho đổi tên đền thành Chân Vũ quán. Ba chữ Hán này được tạc trên nóc cổng tam quan. Tuy nhiên, trên bức hoành trong Bái đường vẫn ghi là Trấn Vũ quán. Năm 1842, vua Thiệu Trị đến thăm đền và ban tiền đúc vòng vàng đeo cho tượng Trấn Vũ. Đền được công nhận di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia đợt đầu năm 1962.
Có thể thấy người xưa chấp nhận cả hai cách viết và gọi là Trấn Vũ quán và Đền Quán Thánh. Quán là Đạo Quán và là nơi thờ tự của Đạo Giáo, cũng như chùa là của Phật giáo.
Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma trong khi xây dựng thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc Chân Võ Tinh quân
2.Kiến trúc đền quán thánh
Đền Quán Thánh có lối kiến trúc khá độc đáo theo phong cách của các công trình kiến trúc Trung Quốc, gồm có: tam quan, sân, ba lớp nhà tiền đế, trung đế, hậu cung. Cổng ngoài của đền nằm trên lề đường Thanh Niên. Cổng có bốn cột trụ với tượng bốn con phượng hoàng đấu lưng với nhau và con nghê trên đỉnh. Ở hai bên là hai bức bình phong đắp nổi hình mãnh hổ hạ sơn. Phía trên là tượng đắp nổi hình cá hóa rồng. Ở các mặt trước và sau của bốn cột trụ được trang trí bởi những cặp câu đối đỏ trông rất nổi bật.
Phần tiếp của cổng ngoài là Tam quan được xây dựng giống như một phương đình, bên trên cổn giữa của tam quan có một bức tượng nổi của thần Rahu – vị thần đặc trưng trong văn hóa Ấn Độ. Điểm độc đáo của tam quan đó chính là gồm có 3 cửa, hai tầng, trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1.5m, nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1677, triều đại vua Lê Hy Tông.
Sau khi đi qua tam quan, bạn sẽ thấy được nhà bia ở phía bên trong đền. Nhà bia có lưu văn bia nói về các thời điểm trùng tu đền do một số vị Tiến sĩ biên soạn.
Tiếp đến là đền thờ liệt sĩ nằm ở phía đường Quán Thánh được xây dựng theo hình vuông, bên trong có bàn tờ “Tổ quốc ghi công”. Đây là khu vực thể hiện lòng biết ơn đối với những vị anh hùng đã ngã xuống bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc.
Qua các hiện vật còn lưu giữ đến ngày nay, đền Quán Thánh được đánh giá là một di tích có giá trị cao về văn hóa nghệ thuật của miền Bắc, từ các mảng chạm khắc trên những cấu kiện bằng gỗ cho đến những bức tượng được thờ tự trong đền.
"Lưu ý: Thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Hy vọng rằng qua đây, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích."