Kinh nghiệm đi du lịch bằng xe máy an toàn bạn nên biết?

Với dân phượt hay những người yêu thích sự phiêu lưu sẽ lựa chọn xe máy là phương tiện chính bởi du lịch bằng xe máy sẽ giúp bạn chủ động hơn, tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển vừa phải. Nhưng khi bạn cũng nên lưu ý một số kinh nghiệm đi du lịch bằng xe máy dưới đây nhé!

5 Kinh nghiệm đi du lịch bằng xe máy

1. Lên lịch trình đường đi chi tiết và an toàn

Việc lên lịch trình đường đi là hết sức cần thiết, không chỉ quan trọng với những người đi phượt lần đầu mà kể cả những người đã có kinh nghiệm phượt lâu năm.

Lịch trình đường đi an toàn là phải tìm hiểu thật kỹ nơi mình đến như các cung đường, địa điểm nghỉ ngơi phù hợp; xác định thời gian xuất phát chính xác, tìm hiểu những trạm dừng chân và phải luôn có phương án dự phòng cho những sự cố ngoài ý muốn như hư xe, trời mưa.

Đi phượt thường theo từng nhóm, kinh nghiệm phượt an toàn chi tiết là phải phân công cho từng người có vai trò và vị trí nhất định.

2. Tìm hiểu về cung đường

Kinh nghiệm đi du lịch bằng xe máy an toàn bạn nên biết?

Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về cung đường mình sắp đi. Dùng Google map (bản đồ trên Google) để kiểm tra, đo khoảng cách và tham khảo một số người đã đi trước là ý tưởng hay. Việc làm này giúp bạn nắm lộ trình các đoạn đường xấu để chuẩn bị cẩn thận hơn cho hành trình. Chẳng hạn, nên tránh đường quốc lộ 1A – nơi đang có đoạn thi công, rất xấu và lượng xe cộ lưu thông quá đông.

3. Chuẩn bị hành trang xe cộ

Quần áo mang theo cứ tính mỗi ngày một bộ, bạn có thể thêm một vài quần lửng, quần sóc, áo thun. Thứ này gọn nhưng chỉ dùng khi đến nơi, lê lết đây đó chứ tránh mặc khi chạy xe vì nếu ngã sẽ trầy hết.

Các thứ không thể thiếu như đồ vệ sinh cá nhân, thuốc đặc trị, khăn tắm, đồ bơi (nếu đi biển) soạn đủ và xếp gọn gàng trong một ngăn riêng cùng một ít bao xốp để đựng đồ đã mặc, rác. Cũng không nên quên máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc khó quên trong chuyến đi.

Về phương tiện: nếu chiếc xe dùng làm phương tiện của bạn không có vẻ bề ngoài hào nhoáng thì… càng tốt, bạn sẽ đỡ mất công giữ gìn vì khó tránh việc trầy xướt. Bề ngoài không đẹp nhưng xe phải có vỏ ruột không quá cũ và máy móc ổn định. Cả thắng trước sau, đèn và nhớt cần kiểm tra kỹ lưỡng trước chuyến đi để tránh việc hỏng hóc trên đường lãng du. Nếu bạn biết chút ít về kỹ thuật, biết vá xe và có một ít đồ nghề thiết yếu trong cốp thì tuyệt hảo rồi, không ngại gì nữa!

Chuẩn bị đủ giấy tờ cá nhân, giấy tờ xe – Không cần đem theo quá nhiều tiền, nếu có thì đem hờ theo thẻ tín dụng. Xếp sẳn gọn gàng vào ba lô, các thứ chưa xài tới dọc đường thì bỏ vào vali rồi rồi ràng chắc chắn lên baga: bây giờ thì bạn có thể lên đường được rồi.

4. Đồ bảo hộ

Áo mưa: Vật dụng này rất cần thiết nhưng nhiều bạn thường bỏ quên. Dạng thuận tiện nhất là áo mưa theo bộ (gồm quần và áo), tránh mua loại áo mưa cánh dơi.

Đồ bảo hộ: Một trong những loại đồ bảo hộ phổ biến nhất là giáp tay và chân. Bạn có thể mua qua mạng internet với giá dao động 500.000 – 600.000 đồng một bộ. Ngoài ra, mũ bảo hiểm nên dùng là loại full-face (trùm kín toàn bộ khuôn mặt) hoặc ít nhất diện tích phủ cũng phải 3/4 khuôn mặt. Lưu ý là hạn chế dùng mũ bảo hiểm dạng thông thường vì khi đi đường gặp gió to, chúng rất dễ lật ngược ra phía sau hoặc làm bạn bị ù tai.

Kính chống bụi: Nên mua loại lớn, ôm sát mặt, hoặc dùng kính bảo hộ riêng để chống bụi và gió. Kính râm thông thường dùng để đi trong phố sẽ chống bụi không tốt, gió dễ tạt, gây khô và đỏ mắt.

Giày: Khi chạy xe, bạn nên lưu ý mang giày giúp dễ điều khiển phanh và số. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm một đôi giày đi mưa bọc bên ngoài để bảo đảm an toàn trong mọi điều kiện thời tiết.

5. Chấp hành Luật giao thông

Luôn chấp hành luật giao thông khi đi đường, không đi hàng 3 (tốt nhất chỉ nên đi hàng 1) không lạng lách đánh võng, đi đúng làn đường của mình, chạy đúng tốc độ quy định (chú ý các loại biển báo khi vào khu vực đông dân cư).