Chùa Một Cột nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội. Gần Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chùa Một Cột cùng với “Khuê văn các” đang là một trong những di tích lịch sử văn hóa lâu đời, một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến thu hút khách du lịch khi đến miền Bắc nước ta.
1.Đôi nét về lịch sử chùa Một Cột
Chùa Một Cột còn được gọi với những cái tên khác là chùa Mật, chùa Diên Hựu hay Liên Hoa Đài.
Theo sử xưa, chùa được vua Lý Thái Tông cho xây dựng vào mùa đông năm 1049. Tích xưa còn lưu lại câu chuyện vua Lý Thái Tông nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm tọa thiền trên tòa hoa sen sáng rực, đưa tay dắt vua lên đài.
Tỉnh mộng vua đã cho dựng chùa Một Cột với lối kiến trúc tựa như trong giấc mơ. Từ đó người ta thấy một ngôi chùa với kết cấu một cột độc đáo, dáng tựa đài sen vươn lên giữa mặt hồ Linh Chiểu ở kinh thành Thăng Long.
Sau khi dựng chùa, vua Lý Anh Tông thường lui tới cầu nguyện. Không lâu sau Hoàng hậu hạ sinh một Hoàng tử khôi ngô. Cho rằng công đức Phật ban cho, vua Lý cho tu sửa lại chùa và dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh chùa Một Cột để tạ ơn.
Lúc này quần thể chùa (bao gồm chùa Một Cột và ngôi chùa mới) có tên là Diên Hựu với ý nghĩa “phước bền dài lâu”.
Không nằm ngoài quy luật của thời gian, trải qua nhiều triều đại, nhiều biến cố lịch sử chùa có nhiều sự thay đổi. Từ thời Lý, Trần, Lê và sau này là nhà Nguyễn chùa được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Bởi vậy mà những đặc trưng văn hóa – kiến trúc trong từng thời kì cũng có sự đổi thay.
Đặc biệt vào năm 1954, thực dân Pháp đã phá hủy chùa Một Cột. Toàn bộ kiến trúc cũ chùa đều bị mất đi, duy chỉ còn cột trụ dưới lòng hồ Linh Chiểu và mấy xà gỗ. Ngay sau đó chùa đã được Chính phủ tu sửa lại. Cho đến nay, dù trải qua thêm vài lần tu bổ nhưng chùa vẫn mang những nét điển hình của kiến trúc cũ.
2.Lối kiến trúc độc đáo nổi tiếng của chùa một cột
Chùa Một Cột hiện nay chỉ là một phần trong quần thể kiến trúc chùa Diên Hựu xưa để ghi nhớ lại nơi đây đã từng có một công trình kiến trúc độc đáo.
Chùa có kết cấu hình vuông làm bằng gỗ, lợp ngói ta, mỗi cạnh 3m, có bốn mái, bốn đầu đao cong được đắp hình đầu rồng. Trụ đá gồm hai khối gắn liền với nhau, đường kính 1,2m, cao 4m (chưa kể phần chìm dưới đất). Lối đi lên chùa là một cầu thang nhỏ làm bằng gạch. Phần trên thân trụ gồm một hệ thống những thanh gỗ tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ cho ngôi chùa dựng bên trên, giống như một đóa hoa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ. Đây chính là nét kiến trúc vô cùng độc đáo của Chùa Một Cột.
Nóc chùa có mặt nguyệt bốc lửa, đầu rồng chầu mặt nguyệt. Trong chùa, tượng đức Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thiếp vàng, ở vị trí cao nhất. Phía trên tượng Phật là hoành phi “Liên hoa đài” gợi nhớ sự tích nằm mộng của vua Lý dẫn tới việc xây dựng chùa. Từ sân lên sàn chùa để tụng kinh lễ bái, phải bước qua 13 bậc thang rộng 1,4m, hai bên tường gạch, gắn bia đá giới thiệu lịch sử ngôi chùa.
Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên. Đài Liên Hoa có mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có Lưỡng long chầu nguyệt. Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh “Lưỡng long chầu nguyệt” trên các mái đình đền, chùa chiền không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa. Ngày nay không có những cánh sen trên cột đá như đã nói đến trong bia văn thời nhà Lý, nhưng ngôi chùa dựng trên cột vươn lên khỏi mặt nước vẫn là kiến trúc độc đáo, gợi hình tượng một bông sen vươn thẳng lên khỏi ao. Ao được bao bọc bởi hàng lan can làm bằng những viên gạch sành tráng men xanh. Kiến trúc chùa xây dựng gần với kiến trúc nhà Hậu Lê.
Trong vườn chùa hiện có một cây bồ đề xum xuê từ đất Phật, do Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad tặng nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm Ấn Độ năm 1958.
3. Hướng dẫn tham quan chùa một cột
Liên hoa đài
Liên hoa đài, hay còn gọi là đài hoa sen, chính là chùa Một Cột, tòa bộ kiến trúc được đặt trên một cột đá giữa hồ sen hình vuông.
Cổng Tam Quan
Cổng Tam Quan – Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột là công trình mở rộng quy mô của của chùa cho việc thờ cúng, tụng kinh phật và sinh hoạt cho các tăng ni.
Cây bồ đề trong khuôn viên chùa
Cây bồ đề xum xuê trong khuôn viên chùa là món quà do của tổng thống Ấn Độ tặng nhân dịp chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ.
Bậc thang dẫn lên chính điện
Từ mặt sân lên tới chùa để thắp hương lễ phật bạn phải bước lên 13 bậc thang rộng 1,4 mét, hai bên có thành tường xây gạch.
Bàn thờ Bồ tát quan Thế âm
Có tượng Phật Quan Âm ngồi trên một bông sen bằng gỗ sơn son thếp vàng, nằm ở vị trí cao nhất trong liên hoa đài.
Chùa Một Cột xứng đáng là một biểu tượng của Hà Nội, góp phần thúc đẩy du lịch Hà Nội đến bạn bè quốc tế. Thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ mà còn liên quan để cả lịch sử văn hóa của cả một dân tộc.