Lễ hội Đền Hùng- Khám phả bản sắc văn hóa dân tộc

Giỗ Tổ Hùng Vương (hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng) từ rất lâu đã trở thành ngày Giỗ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam và in đậm trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều đến và nhớ về ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

lễ hội đền hùng

Hàng năm đến dịp giỗ tổ mùng 10 tháng 3 hàng năm, người dân khắp mọi miền từ trong Nam ra ngoài Bắc lại nô nức đi trẩy hội đền Hùng. Có thể nói đây là nét văn hóa độc đáo của người dân Phú Thọ nói riêng và toàn thể con cháu Lạc Hồng nói chung, là dịp người dân thành kính hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên. Trong tâm thức người Việt ngày giỗ tổ như một niềm tự hào đặc biệt, vì không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có ngày quốc giỗ chung. Nhiều khách du lịch đến Việt Nam và vô tình được tham dự lễ hội giỗ tổ Hùng Vương đã không ít lần bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục văn hóa, tinh thần đoàn kết của cả một đất nước.

Cũng như nhiều lễ hội khác, Lễ hội Đền Hùng gồm có 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần tế lễ được cử hành trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh” (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ. Sau khi một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp đến, các cụ bô lão của làng xã sở tại quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng.

Sau phần lễ là đến phần hội. Ở lễ hội Đền Hùng năm nào cũng tổ chức cuộc thi kiệu của các làng xung quanh. Với sự xuất hiện của các đám rước linh đình mà không khí lễ hội trở nên tưng bừng náo nhiệt hơn. Các cỗ kiệu của các làng phải tập trung trước vài ngày. Nếu như cỗ kiệu nào đoạt giải nhất của kỳ thi năm nay, thì đến kỳ hội sang năm được thay mặt các cỗ kiệu còn lại, rước lên đền Thượng để cử hành quốc lễ. Vì vậy, cỗ kiệu nào đoạt giải nhất thì đó là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của dân làng ấy. Bởi họ cho rằng đã được các vua Hùng cùng các vị thần linh phù hộ cho nhiều may mắn, nhân khang, vật thịnh.

Trong phần hội Đền Hùng có phần thi hát Xoan, một số câu hát được đưa vào trong nghi lễ hát thờ, đây là một loại hình âm nhạc cổ của người Phú Thọ. Tương truyền hát Xoan có từ thờ Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân cư của các làng quanh vùng, rất nhiều người ưa thích thể loại nhạc này, nhất là bà Lan Xuân, vợ của vua Lý Thần Tông.

Ngoài ra ở Đền Hạ còn có hát ca trù, phần hát này do ban tổ chức mời phường hát về trình diễn mừng lễ hội thành công tốt đẹp. Ngoài sân đền Hạ, trong không gian thoãng đãng có đu tiên, đây là trò chơi đẹp mắt và nhịp nhàng của phụ nữ. Xung quanh dưới chân núi là nhiều trò chơi dân gian cổ truyền như ném côn, đi cầu tre, gói bánh thi, đấu vật, chọi gà, mỗi trò có cái hay riêng nhưng tất cả đều thu hút mọi người tham gia và những tiếng hò reo càng làm không khí thêm náo nhiệt.

Lễ hội đền Hùng là địa chỉ lý tưởng cho những ai yêu thích loại hình du lịch tâm linh tìm hiểu văn hóa. Hàng năm Phú Thọ đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến với sự kiện lễ hội đền Hùng. Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội Đền Hùng chính là dịp để người dân hội tụ hướng về nguồn cội, ca ngợi sự hưng thịnh của giống nòi, nâng cao tinh thần đoàn kết cộng đồng. Là tín ngưỡng đẹp đẽ đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người con đất Việt dù họ sống ở bất cứ đâu.