Kinh nghiệm du lịch làng cổ đường lâm 1 ngày chi tiết nhất

Làng cổ đường lâm là một địa điểm du lịch gần Hà Nội mà được khách du lịch thường xuyên lui tới. Nếu bạn muốn tới địa điểm thú vị này thì hãy tham khảo kinh nghiệm du lịch làng cổ đường lâm mà dulichmien.net chia sẻ ngay dưới đây nhé!

Kinh nghiệm du lịch làng cổ đường lâm di chuyển như nào?

Với vị trí gần đường quốc lộ và cách Hà Nội chỉ khoảng 50km, nên có nhiều cách di chuyển đến Đường Lâm trong ngày.

Xe bus

Các bạn có thể đến Đường Lâm bằng các tuyến xe bus sau:

  • Từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Sơn Tây các bạn đi xe bus tuyến số 71, giá vé 14k.
  • Từ bến xe Kim Mã đến bến xe Sơn Tây, tuyến số 70.
  • Từ bến xe Hà Đông đến bến xe Sơn Tây: tuyến số 77.

Đến bến xe Sơn Tây các bạn bắt xe ôm hoặc taxi đi vào Làng cổ. Taxi Sơn Tây: 04. 3362 6262.

Phương tiện tự túc

Từ Hà Nội việc đi xe máy, xe đạp hoặc ô tô đến Đường Lâm rất đơn giản và dễ dàng. Có hai đường đi để các bạn có thể lựa chọn:

  • Từ Hà Nội đi theo Đại lộ Thăng Long đến ngã ba Hòa Lạc thì rẽ phải, theo đường 21, đi qua Sơn Lộc đến ngã tư giao nhau với đường 32 thì có biển chỉ dẫn vào Làng cổ Đường Lâm.
  • Từ Hà Nội đi về phía Nhổn, theo đường 32 lên đến thị xã Sơn Tây, đến ngã tư giao nhau với đường 21 sẽ có lối rẽ vào cổng làng Đường Lâm ở bên tay trái đường.

Nếu bạn cảm thấy không chắc chắn thì cứ đến thị xã Sơn Tây hỏi đường vào Đường Lâm thì ai cũng có thể chỉ cho bạn được.

Nơi nghỉ ngơi và lưu trú khi du lịch làng cổ Đường Lâm

Thông thường du lịch Đường Lâm mọi người đi trong ngày vì khá gần Hà Nội nên dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn ở đây không phát triển như những nơi khác.

Điểm khám phá hấp dẫn khi du lịch Làng Cổ Đường Lâm

Cổng làng Mông Phụ

Cổng làng Mông Phụ - du lịch làng cổ đường lâm

Phượt Làng Cổ Đường Lâm tuyệt đối đừng bỏ qua địa điểm này. Nét cổ nhất của Đường Lâm nằm ở kiến trúc cổng làng và đình Mông Phụ. Cổng làng hội tụ bao lớp lang văn hoá với kiến trúc vòm, lớp đá ong cổ. Vốn dĩ làng có tới 5 cổng, một cổng lớn và 4 cổng trấn tứ phương. Hiện nay, nơi này trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch bởi những bức ảnh đẹp.

Giếng cổ Đường Lâm

Giếng cổ Đường Lâm, điểm thú vị bạn nên ghé thăm đầu tiên khi đến Đường lâm. Giếng nước này xưa kia được dân làng thường xuyên sử dụng cho mục đinh sinh hoạt công cộng hàng ngày, được xây chủ yếu bằng chất liệu đá ong và vữa nhưng nay một số đã được tu sửa lại bằng xi măng và gạch..

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh

Nhà thờ nằm trong trung tâm của quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm, di tích Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh đang trở thành điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Trở thành điểm đến thú vị ở Đường Lâm.

Các ngôi nhà cổ:

– Nhà của ông Hà Nguyên Huyến: Là di tích được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngôi nhà gây ấn tượng mạnh cho khách tới thăm bởi màu xanh cây cối. Vốn có nghề nấu tương, ông Huyến dành hầu hết diện tích sân làm nơi chế biến. Các vại tương màu nâu trầm xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân gạch. Là người đam mê chữ Hán nên ông Huyến trang trí nhà cửa bằng các câu đối có nét chữ đẹp mắt. Các vật dụng nhỏ như điếu bát, ấm chén sứ, đèn dầu… trong nhà làm bật lên được tính cách tinh tế, hoài cổ của chủ nhân.

– Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng: cũng được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngay khi đến thăm, du khách sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1649, chủ yếu bằng gỗ mít và gỗ lim nhưng những nét chạm trổ tinh hoa trên cửa từ thời Hậu Lê vẫn còn nguyên vẹn. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 chái, 3 gian giữa là nơi thờ cúng tổ tiên, thêm bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Hai gian bên cạnh dùng làm nơi ngủ.

– Nhà cổ của chị Dương Lan: được xây từ năm 1780, lại không phải là nhà cổ dân sinh. Ngôi nhà vốn thuộc về cụ tổ chồng chị là quan đốc học Đỗ Doãn Chính. Bục cửa được thiết kế rất cao khiến cho người vào nhà đều phải cúi rạp mình khi bước qua. Chị Lan lý giải, bục cửa xây cao như vậy là để nhắc nhở khách đến nhà phải luôn nhớ kính trọng một vị quan, một người thầy. Trong nhà có những đồ trang trí như hình chiếc sừng chỉ có trong nhà của những người đỗ đạt làm quan. Nhà cổ có ưu điểm mùa hè mát còn mùa đông ấm. Ngoài ra, không gian thoáng đãng và khả năng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên cũng là điểm mạnh của nhà cổ Đường Lâm.

Kinh nghiệm du lịch làng cổ đường lâm ăn gì?

Kinh nghiệm Du lịch làng cổ Đường Lâm các bạn không thể bỏ qua những món ăn ngon và hấp dẫn như: Gà mía, tương chấm, chè lam hay kẹo dồi…

Một số địa chỉ vừa ăn vừa nghỉ ngơi bạn có thể tham khảo:

  • Nhà ông Hùng: 04. 3260128
  • Nhà ông Huyến:
  • Nhà bà Hải Lợi: 0168. 511136
  • Homestay Đường Lâm: đây không phải nhà cổ, nhà xây kiểu giả cổ, cũng làm từ đá ong và các loại vật liệu thiên nhiên nhưng phòng đẹp như khách sạn 3-4 sao, giá khoảng 500k/phòng, ngay đường vào làng, chưa đến đình Mông Phụ. Đây là cái biển ở trước cửa nhà đó đấy ạ.
  • Nhà bà Dương Lan: 01664105180