Lễ hội đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức hằng năm từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch, khi tất cả các mùa vụ trong năm đều đã thu hoạch xong. Người Ba Na gọi là x’trăng, người Cor gọi là xa-ố-piêu, người Lạch gọi là Pơru.
Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng Chạp cho đến tháng 3 âm lịch. Đó là là khi mùa màng thu hoạch xong, thóc đã được đưa vào bồ, các gia đình được nghỉ ngơi. Người Bana xem ngày tốt xấu tổ chức lễ đâm trâu là để tạ ơn thần linh, đón mừng năm mới, cầu mong sức khỏe cho mọi người và cầu chúc cho một năm mới mùa màng tươi tốt. Anh Đào Minh Ngọc, hướng dẫn viên Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Lễ hội đâm trâu là lễ hội lớn linh thiêng đối với người Bana. Lễ hội đâm trâu (còn gọi là lễ hiến sinh) phải trải qua nhiều nghi lễ nhỏ với nhiều hình thức như: lễ cúng thần linh, nghi lễ uống rượu cần, diễn tấu cồng chiêng và có bài khóc trâu. Lễ hội đâm trâu chỉ được dùng trong cúng thần linh”.
Lễ hội đâm trâu là một nét văn hóa của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên thể hiện rõ nét tinh thần dân tộc và đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng. Lễ hội thường được tổ chức ở bãi đất trống trong làng. Đến ngày đầu tiên của lễ hội, tiếng cồng chiêng, thường là chiêng arap, nổi lên để mời gọi và đón tiếp thần linh cũng như những người tham dự và hoàn thành các bước chuẩn bị cho lễ hội. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí.
Để chuẩn bị cho tục đâm trâu, những thanh niên trai trẻ sẽ vào rừng chặt bốn cây to bằng bắp chân vài thước cao và bốn ngọn lồ ô đem về buôn làng. Sau đó họa khắc lên các cây và các ngọn lồ ô những hoa văn, họa tiết đặc trưng cho văn hóa tâm linh, địa hình kỳ bí và tín ngưỡng nơi đây.
Chủ trì ngày hội đâm trâu là một già làng, còn gọi là “Riu Yang” (thầy cúng). Riu Yang đứng nghiêm trang bên cột đang buộc con trâu, sau lưng ông là nam thanh nữ tú, ban nhạc cồng chiêng.
Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, thầy cúng khấn: Cầu xin thần trời – thần nước – thần núi- thần sông suối hãy đến đây chứng kiến ngày hội đâm trâu của dân làng. Cầu xin các thần linh thiêng hãy phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa, nuôi được nhiều trâu bò, súc vật… Sau đó cho dẫn ra một con trâu đực và cột chặt vào cây nêu với một sợi dây thật chắc được làm bằng vỏ cây rừng, gọi là cột Gưng. (Cột Gưng là một cây gỗ quí to lớn cao thẳng dựng lên sân tổ chức lễ hội đâm trâu, cột chia làm ba phần. Phần từ đất lên làm thành giàn cho già làng bước lên cúng tế. Phần thân cột được chạm trổ công phu các hình ảnh hoa văn, các màu sắc rực rỡ buộc các chùm tua ngũ sắc chuốt sợi từ thân nứa. Phần trên cùng là biểu tượng chim hoặc cá, dưới treo chùm ống nứa già gọi là toơng nơơng nhờ gió phát ra âm thanh).
Trong suốt ngày và đêm này, mọi người sẽ nhảy múa theo tiếng chiêng. Ngoài ra còn có các hoạt động thi thố tài năng bằng đấu vật, đánh roi… để tranh giành bùa do già làng (pô khua) tặng. Và đặc biệt là các chiến binh ra nhảy múa, diễn lại cảnh đánh nhau và chiến thắng để khơi dậy dũng khí trong lòng mọi người tham dự. Tất cả mọi hoạt động đều được diễn ra xung quanh cây nêu có con trâu – vật tế lễ đã được buộc chặt.
Theo nhịp trống, cồng chiêng, sáo bầu, các nữ tú nắm tay nhau thành vòng xoang (múa), các nam thanh dũng sĩ múa khiên, lao. Một nam thanh niên lực lưỡng cầm cây Peh (dao dài) sắc lẻm chặt đứt nhượng hai chân sau con trâu cho nó quị xuống không còn lồng lộn được nữa. Mũi lao của dũng sĩ cắm phập vào huyệt tử con trâu. Đầu con trâu được cắt ra bày lên mâm cúng thần rồi sau đó chủ lễ biếu khách là ân nhân số một của nhà mình năm qua. Thịt trâu phân phát cho mọi người dự lễ hội. Ai nấy nhận phần và chế biến thành món ăn truyền thống. Đọt mây rừng nướng lên chấm muối, rau nhiếp rừng thái nhỏ trộn thịt trâu làm món Biếp Kwanh, các món này ăn với cơm lam, cháo bồi, uống rượu cần.
Sau lễ hội đâm trâu mọi nỗi buồn, hiềm khích, đố kỵ trong làng được thần linh mang đi, niềm vui và hạnh phúc được nâng lên gấp bội, ai nấy hăng hái trở lại chuỗi ngày lên nương xuống rẫy dưới mưa dầm nắng gắt, đêm sương muối xót thịt xương, con người bán mặt cho đất bán lưng cho trời nơi đại ngàn lắm dã thú, nhiều sỏi đá đã khô cằn hơn màu mỡ, hi vọng tết mùa sau với nhiều lễ cúng, nhiều tiếng hát, nhiều tiếng cồng chiêng vang lên quyến rũ con người vào cuộc vui say bất tận
Dưới góc nhìn văn hóa, các nhà nghiên cứu đúc kết: Việc lấy trâu làm vật hiến tế quanh cây nêu thể hiện sự kết nối giữa con người với thần linh (Giàng). Dân làng hiến trâu mong Giàng phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, chiến thắng các đối thủ, trồng tỉa được mùa, thu lúa đầy kho, ngô đầy giàn, săn bắt được nhiều thú rừng và không ốm đau, bệnh tật.