Ẩm thực Miền Tây níu chân thực khách thập phương

Ẩm thực Miền Tây phóng khoáng và hảo sảng với trù phù sông nước, kênh rạch. Chính điều đó đã làm nên một nền ẩm thực vô cùng đặc sắc, cùng khám phá nhé!

Ẩm thực miền Tây hòa quyện vùng sông nước

Những ai từng sống ở Đồng Bằng sông Cửu Long hay Miền Tây hẳn sẽ không thể quên hương vị quen thuộc của món cá lóc nướng trui tươi rói bắt ngay tại đồng, đĩa bánh xèo giòn rụm cuốn mớ rau hái trong vườn nhà, hay tô canh chua bông điên điển chỉ có vào mùa nước nổi.

Vẫn là những nguyên liệu và cách chế biến quen thuộc với bữa cơm nhà Việt, các món ngon miền Tây để lại dấu ấn riêng độc đáo từ nguyên liệu đậm vị phù sa tới những gia vị mặn mòi từ sông nước vườn tược: cá lóc nướng, bánh xèo, bánh khọt, canh chua, rau luộc chấm kho quẹt.

ẩm thực miền tây

Mỗi món được bày lên tưởng như mang theo chút gió từ ao sen lồng lộng, có mùi hương cây cỏ xứ miệt vườn lướt qua mũi, thoảng qua tai. Món nào cũng đi kèm nhiều loại rau. Đặc biệt, các loại lá đặc sản nhà quê như lá cóc, lá mè, lá chúc, rau rừng khi ăn kèm với các món cuốn hay chiên nướng đều để lại vị chua tươi mát.

Với phong cách thưởng thức “mùa nào thức nấy” và quan niệm “ăn để mà sống”, người miền Tây tỏ ra rất sành điệu trong việc phối hợp các yêu cầu cao nhất của miếng ăn: thơm, ngon, bổ, khỏe. Khẩu vị của người Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng cũng rất khác biệt: gì ra nấy! Mặn thì phải mặn quéo lưỡi (như nước mắm phải nguyên chất và nhiều, chấm mới “dính”; kho quẹt phải kho cho có cát tức có đóng váng muối; ăn cay thì phải gừng già, cũng không thể thiếu ớt, mà ớt thì chọn loại ớt cay xé, hít hà (cắn trái ớt, nhai mà môi không giựt giựt, lỗ tai không nghe kêu “cái rắc”, hoặc chưa chảy nước mắt thì dường như chưa… đã!), ngọt thì ngọt như chè,….

Ẩm thực miền Tây không thể bỏ qua những món này!

Hấp dẫn, ngon, lạ miệng, những món ăn này còn chứa đựng những tình cảm, hương vị riêng của miền đất này mà không phải đi đâu bạn cũng có thể tìm thấy!
Đầu tiên là đuông dừa – một loại ấu trùng, cánh cứng, có nhiều nhất ở miền Tây Nam Bộ. Đuông dừa rất dễ bắt, nó thường sinh sống trong cổ hũ (bên trong ngọn) của thân cây dừa, cau,…nói chung là các loại cây thuộc họ cau. Khi muốn bắt được ta phải đốn bỏ các cây đó. Đuông dừa là một loại thức ăn bổ, sạch, chứa nhiều protein và cung cấp nhiều vitamin A, C, B1, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe. Đuông dừa được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như : đuông chiên giòn, gỏi đuông tầu hữu dừa, đuông lăn bột,…

Bún cá là một món ăn bình dị nhưng chứa đựng cả một bức tranh quê hài hòa giữa sắc và vị. Đây là một món ăn phổ biến của ẩm thực miền Tây Nam Bộ với những biến tấu khác nhau như bún cá Châu Đốc, bún cá Kiên Giang, bún cá Sóc Trăng,…Không giống món bún cá của người miền Trung được chế biến từ cá biển, bún cá miền Tây được chế biến từ những con cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng ở đây.

Người miền Tây có “sản vật” khá đặc biệt hái từ những vườn tràm hoặc rừng U Minh là rau choại. Dây choại luôn leo theo những cây tràm. Đến mùa khô, choại héo lá khiến cây tràm trông như những ngọn đuốc, nếu gặp lửa rất dễ gây cháy rừng. Vào mùa mưa, choại mới mọc hơn gang tay, nông dân hái về xào hoặc luộc chấm cá kho, mắm chưng ăn rất ngon.

Xem thêm : du lịch sapa tự túc