Độc đáo lễ hội Cầu Mùa của người Khơ Mú, Yên Bái

Dulichmien.net– Cứ vào đầu Xuân, người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, Yên Bái, lại tổ chức Lễ hội Cầu mùa, cầu khấn trời đất, tổ tiên và các thần linh phù hộ cho một năm làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt.

Nguồn gốc của lễ hội cầu mùa

lễ hội cầu mùa khơ mú

Lễ hội Cầu mùa có nguồn gốc từ xa xưa và được bảo lưu theo thời gian. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Khơ Mú quan niệm vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Bên cạnh những hoạt động kỹ thuật của người Khơ Mú như làm đất, gieo cấy, chăm bón trong nông nghiệp, những mẫu đánh dấu các thời đoạn sản xuất chính là lễ thức, nghi lễ diễn ra khi xuống đồng gieo cấy, khi lúa ngậm đòng trổ bông, lúc mùa màng thu hoạch. Đó là những hoạt động tâm linh của người Khơ Mú với mong muốn thỉnh cầu và tạ ơn các lực lượng siêu nhiên trợ giúp mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa đã trở thành những hoạt động không thể thiếu tạo nên chỉnh thể của đời sống nông nghiệp của người Khơ Mú nơi đây.

Do điều kiện chiến tranh, Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú đã ngừng tổ chức từ năm 1944. Năm 2011, Lễ hội Cầu mùa đã được UBND xã Nghĩa Sơn phục dựng và tổ chức lại. Lễ hội Cầu mùa thường được tổ chức vào dịp đầu xuân từ tháng Giêng đến hết tháng Hai hằng năm tùy thuộc vào điều kiện thực tế của người dân trong xã, năm nào xã có kinh phí hỗ trợ, sẽ tiến hành tổ chức lễ hội. Gần đây lễ hội cầu mùa đã được tổ chức vào các năm 2013, 2016, năm 2018 với quy mô nhỏ, một số nghi lễ đã bị lược bỏ.

Diễn biến lễ hội Cầu Mùa

Diễn biến lễ hội Cầu Mùa

Theo quan niệm của người Khơ Mú, vạn vật đều có linh hồn và trời, đất, nương, rẫy… có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Vì thế, cứ vào dịp đầu năm, đồng bào lại tổ chức lễ hội Cầu mùa, mở đầu một vụ sản xuất mới.

Lễ hội Cầu mùa của người Khơ Mú gồm 6 phần: Mở đầu là lễ cúng ma nhà, báo cáo với tổ tiên đã sang năm mới, chuẩn bị sản xuất, mong tổ tiên phù hộ cho con người mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt.

Phần 2 là lễ tôn vinh thần lúa, thần màu và thần  khoai sọ. Đây là nghi thức để nhớ ơn người xưa đã tìm ra cây lúa, cây màu.

Phần 3 là lễ chọc lỗ tra hạt, mong muốn thần linh phù hộ cho hạt thóc giống nảy mầm đều, bảo vệ không cho chim muông, thú rừng ăn thóc giống.

Tiếp đó là phần lễ cầu mưa. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của lễ hội cầu mùa. Người Khơ mú quan niệm rằng sau khi gieo hạt, để vụ mùa năng suất cao, phải tổ chức lễ hội cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hoà để cây trồng tốt tươi, mùa màng bội thu. Cầu mong các vị thần linh che chở cho con người, bảo vệ mùa màng khỏi hạn hán.

Sau lễ cầu mưa là lễ đón mẹ lúa. Lễ này tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho đồng bào có mùa màng bội thu. Người Khơ mú cũng tạ ơn các nông cụ hỗ trợ sản xuất và trâu bò đã giúp bà con làm nông trong suốt mùa vụ qua.

Lễ hội cầu mùa là hoạt động văn hóa cộng đồng cổ vũ, động viên bà con bước vào một vụ sản xuất mới với tinh thần lao động, sản xuất hăng say. Đồng thời giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Lễ hội Cầu mùa mang đậm bản sắc văn hóa trong tín ngưỡng dân tộc Khơ Mú xã Nghĩa Sơn. Vì vậy, Lễ hội được tổ chức uy nghiêm, trang trọng phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên, trời đất, nương rẫy … và thể hiện ước muốn của họ về mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của nước ta hiện nay, Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú càng có ý nghĩa quan trọng. Một mặt, lễ hội góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, lễ hội trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế, làm thay đổi bộ mặt, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.